Giỏ hàng

TCVN 7704 : 2007 - Phần 5

Đăng bởi Thế giới Van công nghiệp ngày bình luận

Các tình huống xảy ra nói trên và thứ tự ngừng nồi hơi khi xảy ra sự cố phải được nêu rõ trong quy trình xử lý sự cố của đơn vị.

8.7.7. Trong nhà đặt nồi hơi phải có đồng hồ và phương tiện thông tin liên lạc giữa cán bộ công nhân quản lý vận hành nồi hơi và người sử dụng nồi hơi cũng như với các hộ tiêu thụ hơi.

8.7.8. Cho phép để nồi hơi hoạt động không cần có người theo dõi phục vụ thường xuyên nếu nồi hơi được trang bị hệ thống tự động, hệ thống tín hiệu và bảo vệ đảm bảo sự làm việc tin cậy và an toàn.

8.7.9. Cấm chèn hãm hoặc móc thêm vật nặng vào các van an toàn khi nồi hơi đang hoạt động.

8.8. Tổ chức sửa chữa nồi hơi

8.8.1. Người sửa chữa phải lập quy trình sửa chữa trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng và nơi kiểm định nồi hơi đó khi việc sửa chữa có liên quan đến các bộ phận chịu áp lực của nồi hơi dẫn đến phải tiến hành kiểm định bất thường.

8.8.2. Nội dung của quy trình phải dựa trên phương án hoặc đề xuất của người sử dụng theo đúng quy định của nhà chế tạo.

Khi sửa chữa thay thế hay gia công có liên quan đến các bộ phận chịu áp lực của nồi hơi thì nội dung các phần việc sửa chữa phải theo đúng các quy định về chế tạo và lắp đặt.

8.8.3. Trước khi tiến hành các công việc sửa chữa bên trong bao hơi, hộp lửa hoặc ống góp của nồi hơi có đấu chung đường ống dẫn (hơi, nước cấp, xả, hệ thống ống tuần hoàn, đường khói…) với các nồi hơi khác đang hoạt động phải tiến hành các biện pháp ngắt hoặc cách ly các môi chất dẫn tới vị trí đó bằng van khóa hoặc nút bịt, bích kín.

Cho phép cách ly các nồi hơi có áp suất làm việc trên 4 MPa bằng hai van, ở giữa hai van có ống xả ra khí quyển với đường kính trong không nhỏ 32 mm. Trường hợp này bộ phận chuyển động của van phải khóa lại, chìa khóa do người sử dụng nồi hơi giữ.

Việc chui vào nồi hơi hoặc mở các van cái chỉ được phép thực hiện theo phiếu thao tác do người sử dụng nồi hơi ký.

8.8.4. Chiều dày của các nút bịt, bích kín để cách ly phải được tính toán trên cơ sở tính sức bền và phải có đầu thò để dễ nhận biết. Trong trường hợp này tấm gioăng đệm (nếu có) không cần phải có đầu thò.

8.8.5. Chỉ cho phép làm việc trong đường khói sau khi đã thông gió đảm bảo an toàn và bảo vệ chắc chắn, không có khói từ các nồi hơi đang vận hành lọt vào.

8.8.6. Đèn điện dùng để làm việc trong nồi hơi và các đường khói phải là đèn có điện áp không quá 12 V.

9. Yêu cầu về chế độ nước cấp - nước ở bên trong nồi hơi

9.1. Chế độ nước phải đảm bảo cho nồi hơi và hệ thống cấp nước hoạt động không bị sự cố do cáu cặn, bùn và gây ăn mòn kim loại.

9.2. Các loại nồi hơi sau đây phải được trang bị xử lý nước.

9.2.1. Nồi hơi trực lưu không giới hạn công suất;

9.2.2. Nồi hơi tuần hoàn tự nhiên, tuần hoàn có trợ lực, hoặc cưỡng bức có công suất từ 1 tấn/h trở lên.

Cho phép sử dụng mọi phương pháp xử lý đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật được quy định trong tiêu chuẩn này.

9.3. Đối với các nồi hơi có công suất dưới 1t/h, chiều dày lớp cáu cặn tại các bề mặt tiếp nhiệt có cường độ tiếp nhiệt lớn không được lớn hơn 1 mm ở thời điểm ngừng nồi hơi để tiến hành vệ sinh.

9.4. Đối với các nồi hơi được trang bị hệ thống xử lý nước, không cho phép bổ sung nước chưa được xử lý vào nồi hơi.

Trong trường hợp thiết kế có tính đến cấp bổ sung nước chưa xử lý cho nồi hơi khi hệ thống xử lý nước có sự cố thì trên các đường dẫn nước chưa xử lý nối với đường dẫn nước đã xử lý, đường dẫn của thiết bị ngưng tụ, đường dẫn tới bể nước cấp phải lắp hai van khóa. Giữa hai van khóa phải lắp van kiểm tra. Trong thời gian vận hành bình thường, van khóa phải đóng và được cặp chì, van kiểm tra phải mở.

Mỗi lần bổ sung nước chưa xử lý cho nồi hơi cần ghi rõ vào sổ xử lý nước hoặc nhật ký vận hành về số lượng và chất lượng nước bổ sung.

9.5. Người sử dụng nồi hơi phải ban hành các quy trình xử lý nước, vận hành hệ thống xử lý và các quy trình liên quan. Trong các quy trình cần quy định rõ:

9.5.1. Trách nhiệm cụ thể của những người được giao nhiệm vụ thực hiện;

9.5.2. Các thiết bị và thông số kỹ thuật cơ bản có liên quan tới hệ thống xử lý nước và tiêu thụ nước cấp;

9.5.3. Sơ đồ các điểm lấy mẫu nước, hơi, nước ngưng để phân tích;

9.5.4. Chỉ tiêu chất lượng nước bổ sung, nước cấp, nước nồi, hơi và nước ngưng;

9.5.5. Biểu đồ và phương pháp phân tích hóa nghiệm;

9.5.6. Chỉ dẫn tóm tắt hệ thống điều khiển, tự động, đo kiểm, tín hiệu;

9.5.7. Trình tự thao tác, kiểm tra các thiết bị trước khi đưa vào hoạt động, trong quá trình hoạt động và ngừng làm việc;

9.5.8. Trình tự thao tác hệ thống khử khí, hệ thống xả định kỳ, liên tục, vận hành và ngừng nồi hơi, chế độ xử lý nước;

9.5.9. Các hư hỏng thường gặp và phương pháp khắc phục.

9.6. Chỉ tiêu chất lượng nước cấp cho nồi hơi không được vượt quá trị số trong các bảng dưới đây

9.6.1. Chỉ tiêu chất lượng nước cấp yêu cầu cho các nồi hơi ống lò ống lửa, được nêu trong Bảng 9.6.1.

Bảng 3

Các chỉ tiêu

Loại nhiên liệu sử dụng

Lỏng, khí

Các loại khác

Độ trong suốt không nhỏ hơn, cm

40

20

Độ cứng toàn phần, µgđl/kg

30

100

Hàm lượng oxy hòa tan (đối với nồi có công suất từ 2 t/h trở lên), µg/kg

50

100

Đối với nồi hơi không có bộ hâm nước hoặc có bộ hâm nước bằng gang thì hàm lượng oxy hòa tan cho phép đến 100 µg/kg.

9.6.2. Chỉ tiêu chất lượng nước cấp qui định cho lò hơi tuần hoàn tự nhiên có áp suất đến 4 MPa được nêu trong Bảng 4.

Bảng 4

Các chỉ tiêu

Áp suất làm việc của nồi hơi, MPa

đến 0,9

đến 1,4

đến 2,4

đến 4,0

Độ trong suốt, không nhỏ hơn, cm

30

40

40

40

Độ cứng toàn phần, µgđl/kg

30*

40

15*

20

10*

15

5*

10

Hàm lượng các hợp chất sắt, µg/kg

không quy định

300*

không quy định

100*

200

50*

100

Hàm lượng các hợp chất đồng, µg/kg

Không quy định

10*

Không quy định

Hàm lượng ôxy hòa tan (đối với nồi hơi có công suất từ 2 t/h trở lên)**, µgdl/kg

50*

100

30*

50

20*

50

20*

30

Trị số pH ở 25 oC***

8,5 ÷ 10,5***

Hàm lượng các sản phẩm có nguồn gốc dầu lửa, mg/kg

5

3

3

0,5

CHÚ THÍCH

* Trị số trên dùng cho nồi hơi sử dụng nhiên liệu lỏng, khí; trị số dưới dùng cho các loại nhiên liệu khác.

** Dùng cho nồi hơi không có bộ hâm nước hoặc có bộ hâm nước bằng gang, hàm lượng oxy hòa tan cho phép đến 100 µg/kg với nhiên liệu bất kỳ.

*** Trong một số trường hợp riêng biệt, có thể hạ thấp trị số pH đến 7,0.

9.6.3. Chỉ tiêu chất lượng nước cấp yêu cầu cho nồi hơi tuần hoàn tự nhiên có áp suất trên 4 MPa được nêu trong Bảng 5.

Bảng 5 - Chất lượng nước cấp

TT

Chỉ tiêu

Áp suất từ 4 đến ≤ 10MPa

Áp suất > 10MPa

Ghi chú

1

Tổng hàm lượng cation của các muối hòa tan quy đổi về cation natri, mg/kg

-

≤ 50

 

2

Độ cứng toàn phần, µgđl/kg

5

3

 

3

Hàm lượng silic tính đổi về SiO32, µg/kg

≤ 80

≤ 40

 

4

Oxy, µg/kg

≤ 20

≤ 10

 

5

Hydrazin, µg/kg N2H4

30 - 100

30 - 100

 

6

pH

9,1 ± 0,1

9,1 ± 0,1

 

7

Amoniac, µg/kg

1000

1000

 

8

Các liên kết sắt tính đổi về Fe, µg/kg

≤ 10

≤ 5

 

9

Tổng các liên kết nitrits và nitrat, µg/kg

≤ 20

≤ 20

 

10

Các sản phẩm dầu, mg/kg

≤ 0,3

≤ 0,3

 

11

Natri sulfit, mg/kg

≤ 2

-

 

9.6.4. Chỉ tiêu chất lượng nước cấp cho nồi hơi trực lưu ở tất cả các áp suất, khi nồi hơi sử dụng nước ngưng không có sắt và muối với các tỷ lệ nước ngưng 100 % và 30 - 50 % được nêu trong Bảng 6

Bảng 6 - Chất lượng nước cấp cho nồi hơi trực lưu ở tất cả các áp suất

TT

Chỉ tiêu

Khi sử dụng 100% nước ngưng

Khi sử dụng 30% - 50% nước ngưng với việc lọt nước làm mát dưới 0,006%

1

Tổng hàm lượng cation của các muối hòa tan quy đổi về Na, mg/kg

≤ 5

≤ 5

2

Độ cứng toàn phần, µgđl/kg

≤ 0,2

≤ 0,3

3

Axit silic tính đổi về SiO32, µg/kg

≤ 15

≤ 30

4

Oxy, µg/kg O2

≤ 10

≤ 10

5

Hydrazin, µg/kg N2H4

20 - 60

20 - 60

6

pH

9,1 ± 0,1

9,1 ± 0,1

7

Amoniac, µg/kg

800

800

8

Các liên kết sắt tính đổi về Fe, µg/kg

≤ 10

≤ 15

9

Các liên kết đồng tính đổi về Cu, µg/kg

< 5

< 7

10

Dầu

vết

vết

9.7. Chỉ tiêu chất lượng nước nồi hơi (nước trong nồi hơi) của các loại nồi hơi tuần hoàn tự nhiên hay cưỡng bức, do nhà chế tạo nồi hơi quy định, tùy theo kết cấu nồi hơi, phương pháp tổ chức bốc hơi, phương pháp dùng hóa chất xử lý nước nồi hơi, v.v.

10. Giám sát chế tạo và thử nghiệm

10.1. Giám sát chế tạo

10.1.1. Khi chế tạo mỗi nồi hơi hay nồi đun nước nóng đều phải qua giám sát trong quá trình chế tạo cho đến khi xuất xưởng để đảm bảo rằng các vật liệu dùng cho các bộ phận, việc chế tạo và các phương pháp thử phù hợp với các quy định trong tiêu chuẩn này.

10.1.2. Công việc giám sát trong chế tạo gồm:

a) Trình độ và năng lực của đội ngũ nhân viên, công nhân tham gia vào công việc chế tạo, kiểm tra;

b) Các vật liệu và chất lượng đưa vào để chế tạo các bộ phận;

c) Các quá trình gia công chế tạo;

d) Các công việc kiểm tra trong chế tạo và kiểm tra lần cuối cùng (xuất xưởng);

e) Các tài liệu, bản vẽ và việc lập hồ sơ xuất xưởng.

10.1.3. Công việc giám sát vật liệu và chất lượng vật liệu gồm:

a) Nhãn hiệu của các loại vật liệu: thép tấm, thép ống, thép thanh, thép hình, vật liệu hàn… cũng như các kích thước của chúng so với yêu cầu trong quy trình chế tạo;

b) Tình trạng kỹ thuật và chất lượng của vật liệu như: mức độ gỉ mòn, rạn, phân lớp…

c) Việc bảo quản vật liệu ở trong kho, cũng như việc sắp xếp để tránh nhầm lẫn…

Trường hợp khi có nghi ngờ về nhãn hiệu hoặc chất lượng kim loại thì có thể yêu cầu nhà chế tạo tiến hành kiểm tra bằng các phương pháp kiểm tra thích hợp như: phân tích quang phổ, kiểm tra siêu âm, phân tích thành phần hóa học, thí nghiệm cơ tính… khi các kết quả kiểm tra nêu trên đạt yêu cầu thì mới đưa vật liệu đó vào gia công chế tạo.

10.1.4. Việc giám sát kiểm tra trong chế tạo có thể tiến hành thường xuyên, liên tục, nhưng đặc biệt phải tiến hành ở các giai đoạn sau:

a) Khi nhận các tấm về cần so sánh nhãn hiệu kim loại với hồ sơ vật tư, các thành phần hóa học và cơ tính. Tiên hành đo chiều dầy để so sánh dung sai và xem xét bề mặt kim loại;

b) Việc sắp xếp và bảo quản trong kho trước khi đưa vật liệu ra gia công;

c) Khi các tấm thân và đáy nồi hơi đã được tạo hình để đưa gá lắp hoặc hàn đính xong;

d) Trong giai đoạn hàn: kiểm tra vật liệu hàn, tiến hành thí nghiệm đặc tính công nghệ que hàn, việc đặt các mẫu thử của các mối hàn, bắt đầu hàn mối hàn và kết thúc mối hàn; kiểm tra kích thước hình học mối hàn;

e) Xem xét việc gia công các mẫu để thí nghiệm cơ tính, cũng như các kết quả siêu âm, chụp tia xuyên qua mối hàn;

g) Khi các lỗ khoan đã khoan xong xem xét kích thước các lỗ khoan so với bản vẽ, cũng như chất lượng của bề mặt lỗ khoan;

h) Xem xét công việc nhiệt luyện các mối hàn, biểu đồ nâng, duy trì nhiệt độ và làm nguội mối hàn;

i) Kiểm tra kích thước của nồi hơi khi đã chế tạo xong kiểm tra bề mặt bên trong và bên ngoài cũng như quá trình thử thủy lực;

k) Đóng biển và ghi thông số của nồi hơi;

l) Tập hợp tài liệu kỹ thuật, các chứng chỉ và lập hồ sơ xuất xưởng.

10.1.5. Việc hàn các mẫu thử để tiến hành thí nghiệm cơ tính các mối hàn thân nồi hơi, bao hơi, bao nước và các bộ phận hình trụ khác theo quy định của TCVN 6008:1995 hoặc theo quy trình công nghệ chế tạo khi quy trình này có quy định cao hơn.

10.1.6. Phải tiến hành kiểm tra bằng siêu âm hay chụp các tia xuyên qua 100% các mối hàn giáp mép, chồng mép của thân nồi hơi, bao hơi, bao nước, ống góp, các bộ phận hình trụ khác và các đáy. Đối với các mối hàn của hệ thống ống (trừ ống góp) phải kiểm tra bằng siêu âm hay chụp tia xuyên qua theo tỷ lệ sau:

a) 25% số lượng hay chiều dài mối hàn đối với các nồi hơi có áp suất dưới 3,9 MPa;

b) 50% số lượng hay chiều dài mối hàn đối với các nồi hơi có áp suất từ 3,9 đến 10,0 MPa;

c) 100% số lượng hay chiều dài mối hàn đối với các nồi hơi có áp suất trên 10,0 MPa.

10.1.7. Đối với các mối hàn góc hay chữ T của các đáy hoặc các ống vào bao hơi, bao nước, thân nồi hơi, các thành phẳng, mặt sàng không thực hiện được việc kiểm tra bằng siêu âm thì tiến hành chụp các tia xuyên qua.

10.1.8. Trước khi xuất xưởng nồi hơi phải được thử thủy lực sau khi hoàn chỉnh trọn bộ nồi hơi.

Đối với các nồi hơi lớn, có nhiều bộ phận riêng biệt và chỉ có thể hoàn chỉnh trọn bộ tại nơi lắp đặt thì phải thử thủy lực từng bộ phận riêng biệt tại nhà chế tạo và phải cấp chứng chỉ cho từng bộ phận riêng biệt đó.

10.2. Xác định áp suất thử thủy lực sau khi chế tạo

10.2.1. Căn cứ để xác định áp suất thử thủy lực là áp suất thiết kế nồi hơi và các bộ phận liên quan, ký hiệu là p cho tất cả các loại nồi hơi.

10.2.2. Áp suất thử thủy lực đối với nồi hơi sau khi chế tạo xong trọn bộ theo quy định trong Bảng 8.

Bảng 8 - Áp xuất thử thủy lực nồi hơi

Áp suất thiết kế, MPa

Áp suất thử thủy lực, MPa

p ≤ 0,5

2p nhưng không nhỏ hơn 0,2 MPa

p > 0,5

1,5 p nhưng không nhỏ hơn 1 MPa

10.2.3. Khi thử riêng bộ hâm nước và bộ quá nhiệt thì áp suất thử thủy lực quy định trong Bảng 9.

Bảng 9 - Áp suất thử thủy lực bộ hâm nước và bộ quá nhiệt

Tên bộ phận

Áp suất thiết kế, MPa

Áp suất thử thủy lực, MPa

Bộ hâm nước ngắt được

p

1,5p

Bộ hâm nước không ngắt được

p

2,0p

Bộ quá nhiệt

p

1,5p

10.3. Trình tự thử thủy lực sau chế tạo

10.3.1. Thử bằng nước đã được lắng trong có nhiệt độ dưới 50 oC và không thấp hơn nhiệt độ môi trường chung quanh quá 5 oC.

10.3.2. Thời gian duy trì áp suất thử thủy lực là 30 min.

10.3.3. Việc tăng hoặc giảm áp suất phải làm từ từ để các bộ phận co giãn đều, đặc biệt khi nâng từ áp suất thiết kế đến áp suất thử.

10.3.4. Mọi việc kiểm tra, gõ búa lên thành các bộ phận hoặc mối nối chỉ được thực hiện khi đã hạ áp suất thử xuống bằng áp suất thiết kế.

10.3.5. Cấm dùng môi chất khí để thử thủy lực các nồi hơi.

10.4. Xác định kết quả thử thủy lực sau chế tạo

10.4.1. Thử thủy lực được coi là đạt chất lượng khi:

a) Không có hiện tượng nứt, rạn;

b) Không có các bụi nước, hạt nước chảy qua các mối núc, mối nối ren, bích, van;

c) Không có hiện tượng rịn mồ hôi, đọng sương trên các mối hàn;

d) Không có hiện tượng biến dạng;

Nếu có hiện tượng rịn nước qua các van, bích nối, ren nối với phụ kiện mà áp suất thử không bị giảm quá 3% trong thời gian duy trì áp suất thử (30 phút) thì cũng coi như đạt yêu cầu.

10.4.2. Kết quả kiểm tra thử thủy lực phải được lập thành biên bản có đầy đủ chữ ký của các thành viên trong hội đồng kỹ thuật. Biên bản đó phải được coi là tài liệu kỹ thuật bắt buộc đính kèm vào hồ sơ xuất xưởng và là cơ sở để cấp giấy chứng chỉ xuất xưởng.

11. Kiểm định sau khi lắp đặt và trong quá trình sử dụng

11.1. Những quy định chung

11.1.1. Tất cả các nồi hơi, bộ quá nhiệt, bộ hâm nước và các bộ phận chịu áp lực khác của nồi hơi đều phải được kiểm định sau khi lắp đặt, định kỳ trong quá trình sử dụng và kiểm định bất thường theo đúng quy định của tiêu chuẩn này.

Những bộ quá nhiệt, bộ hâm nước lắp riêng cũng phải được kiểm định theo thời hạn như đối với nồi hơi.

11.1.2. Khi kiểm định các thiết bị nồi hơi sau khi lắp đặt (kiểm định lần đầu để đăng ký đưa vào sử dụng) phải kiểm tra toàn bộ công trình xây dựng nồi hơi như nhà nồi hơi, cầu thang, sàn thao tác, hệ thống cấp nhiên liệu, thải tro xỉ, cấp nước… và việc tổ chức quản lý vận hành của đơn vị sử dụng.

11.1.3. Kiểm định các thiết bị nồi hơi sau khi lắp đặt phải được tiến hành trước khi xây tường và bọc cách nhiệt.

Đối với nồi hơi được chế tạo theo kiểu trọn gói (lắp nhanh) được phép bọc cách nhiệt ngay tại nơi chế tạo sau khi thử thủy lực đạt kết quả tốt thì tại nơi lắp đặt chỉ cần tiến hành khám xét toàn bộ (không thử thủy lực). Trong trường hợp này phải kèm theo các tài liệu thử thủy lực trong hồ sơ xuất xưởng.

11.2. Những quy định về kiểm định sau khi lắp đặt và trong quá trình sử dụng

11.2.1. Kiểm định bao gồm khám xét bên ngoài, bên trong và thử thủy lực

11.2.2. Khám xét bên ngoài và bên trong nhằm mục đích

11.2.2.1. Đối với nồi hơi mới lắp đặt: xác định việc lắp đặt và trang bị phù hợp với thiết kế và với tiêu chuẩn này: xác định chất lượng lắp đặt để đảm bảo đưa vào vận hành an toàn.

11.2.2.2. Việc kiểm định định kỳ hoặc bất thường nhằm xác định tình trạng kỹ thuật của nồi hơi và đánh giá khả năng làm việc tiếp tục của nồi hơi.

11.2.3. Thử thủy lực nhằm mục đích kiểm tra độ bền và độ kín của các bộ phận nồi hơi.

Nồi hơi được thử thủy lực đồng thời với các phụ kiện gắn trên thân nồi.

11.2.4. Thời hạn kiểm định định kỳ các nồi hơi:

11.2.4.1. Khám xét bên ngoài và bên trong: hai năm một lần;

11.2.4.2. Khám xét bên ngoài, bên trong, thử thủy lực: sáu năm một lần.

11.2.4.3. Kiểm tra vận hành nồi hơi: một năm một lần.

Việc thử thủy lực chỉ được tiến hành sau khi khám xét bên trong và bên ngoài đạt yêu cầu;

11.2.5. Những trường hợp phải được kiểm định bất thường:

11.2.5.1. Khi sử dụng lại các nồi hơi đã nghỉ hoạt động từ 12 tháng trở lên;

11.2.5.2. Khi nồi hơi được cải tạo hoặc đổi chủ sở hữu, hoặc chuyển đến lắp đặt ở vị trí mới;

11.2.5.3. Khi nắn lại các chỗ phồng, móp hoặc sửa chữa có sử dụng phương pháp hàn tại các bộ phận chủ yếu của nồi hơi như: bao hơi, ống góp, ống lò, mặt sàng, hộp lửa…;

11.2.5.4. Khi thay quá 15% đinh giằng hoặc thanh néo của một thành phẳng bất kỳ;

11.2.5.5. Sau khi thay bao hơi, ống góp, bộ quá nhiệt, bộ giảm ôn, bộ hâm nước…;

11.2.5.6. Cùng một lúc thay quá 25 % tổng số các ống sinh hơi, ống lửa hoặc thay quá 50% tổng số các ống của bộ quá nhiệt, bộ hâm nước…;

11.2.5.7. Khi tán lại 10 đinh tán liền nhau trở lên hoặc tán lại quá 20% tổng số đinh tán của mối nối;

11.2.5.8. Khi có nghi ngờ về tình trạng kỹ thuật của nồi hơi.

Những nguyên nhân dẫn đến việc kiểm định bất thường đều phải ghi rõ vào lý lịch của nồi hơi.

11.2.6. Chuẩn bị hồ sơ để kiểm định các nồi hơi

11.2.6.1. Đới với các nồi mới lắp đặt:

a) Lý lịch nồi hơi theo quy định của cơ quan có trách nhiệm đăng ký.

b) Hồ sơ xuất xưởng của nồi hơi.

c) Biên bản lắp đặt gồm các điểm chính sau:

- Tên cơ sở lắp đặt và cơ sở sử dụng;

- Đặc tính của những vật liệu bổ sung khi lắp đặt;

- Những số liệu về hàn như: công nghệ hàn, mã hiệu que hàn, tên thợ hàn và kết quả thử nghiệm các mối hàn;

- Các biên bản kiểm định từng bộ phận nồi hơi, nếu có;

- Các tài liệu về kiểm tra hệ thống ống bằng cách thông bi hoặc bằng các phương pháp khác để đảm bảo hệ thống ống thông suốt, nếu có;

- Các tài liệu về kiểm tra quang phổ đối với các bộ phận nồi hơi, bộ quá nhiệt làm việc với nhiệt độ thành lớn hơn 450 oC, nếu có;

- Tài liệu xác nhận chất lượng nồi hơi sau khi vận chuyển đến nơi lắp đặt.

11.2.6.2. Đối với các nồi hơi đang sử dụng khi kiểm định định kỳ hoặc bất thường: nếu sửa chữa có thay thế, hàn… các bộ phận chịu áp lực của nồi hơi phải lập hồ sơ sửa chữa.

11.2.7. Trước khi tiến hành khám xét bên trong, bên ngoài nồi hơi cần phải được làm nguội, vệ sinh sạch tro, bụi, xỉ, cáu cặn. Các thiết bị lắp bên trong bao hơi phải được tháo gỡ đưa ra ngoài nếu như ảnh hưởng tới việc khám xét.

11.2.7.1. Đối với những thiết bị nồi hơi có chiều cao từ 2 mét trở lên phải làm các công trình (dàn giáo) để có thể xem xét được tất cả các bộ phận của nồi hơi.

11.2.7.2. Khi nghi ngờ tình trạng kỹ thuật các bộ phận chịu áp lực của nồi hơi, người sử dụng nồi hơi cần tháo gỡ một phần hoặc toàn bộ lớp cách nhiệt, tháo gỡ một số ống lửa hoặc cắt một số đoạn ống nước để kiểm tra.

11.2.8. Khi khám xét bên ngoài và bên trong nồi hơi, cần chú ý phát hiện những thiếu sót sau:

11.2.8.1. Các vết nứt, rạn, vết móp, chỗ phồng phía trong và phía ngoài thành nồi hơi; dấu vết rò rỉ hơi, rò rỉ nước lại các mối hàn, mối tán đinh, mối núc ống.

11.2.8.2. Tình trạng cáu cặn, hạn gỉ, ăn mòn thành kim loại các bộ phận.

11.2.8.3. Tình trạng kỹ thuật của phụ kiện, dụng cụ đo kiểm và an toàn.

11.2.8.4. Tình trạng kỹ thuật của lớp cách nhiệt và nhà đặt nồi hơi.